Thủ tướng đề nghị Thaco, Hòa Phát, FPT tham gia các dự án lớn

29/03/2025
|
0 lượt xem
Kinh Doanh Vĩ Mô
Thủ tướng đề nghị Thaco, Hòa Phát, FPT tham gia các dự án lớn

Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, tạo đề cho mục tiêu hai con số giai đoạn tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với lãnh đạo các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước và tư nhân lớn sáng 10/2. Ảnh: VGP

Thủ tướng nói "nếu cứ tăng trưởng bình bình sẽ không thể đạt mục tiêu". Do đó, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, FDI để chia sẻ, giải quyết những vướng mắc về thể chế, góp ý cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.

Việt Nam đang triển khai một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân. Do đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tư nhân "xem có thể làm được gì thì đăng ký, đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi".

Lãnh đạo Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua ông đã đề nghị Tập đoàn Trường Hải (Thaco) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu, đầu máy cho đường sắt tốc độ cao. Hay Tập đoàn Hòa Phát được đề nghị nghiên cứu làm ray đường sắt tốc độ cao, FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, khẳng định tập đoàn này sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Tương tự, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát nhìn nhận các dự án đầu tư công như đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng... sẽ mang lại thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp. Trong đó, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray với số vốn khoảng 10.000 tỷ đồng. Với nhà máy này, tập đoàn đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty đường sắt để làm dự án. "Dự án cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hoà Phát sẽ cung cấp đủ với chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn nhập khẩu", ông nói.

Song đây là một sản phẩm rất đặc thù bởi nếu không sử dụng cho dự án sản phẩm sẽ không biết bán cho ai. Cho nên, ông Long đề nghị nhà điều hành có văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường cho rằng với đường sắt cao tốc, đường giao thông, cơ quan quản lý phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng có cơ sở cho vay tiền. "Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10.000 tỷ đồng, ngoài vốn tự có thì phải vay thêm ngân hàng", ông ví dụ.

Hiện, lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước, theo báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, để tạo đà cho những năm tiếp theo đạt hai con số. Theo ông Dũng, để đạt được mức tăng trưởng hai con số, khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11% mỗi năm. Theo đó, các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới. Họ cũng cần chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế. "Doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị", ông Dũng nói.

Theo ông Trần Bá Dương, Thaco có lực lượng kỹ sư và kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế. Do đó, họ cam kết sẽ tham gia chuyển giao công nghệ hợp lý, sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành, bảo đảm chất lượng. Tập đoàn này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, liên kết để đặt hàng thép chế tạo.

Ngoài ra, họ sẽ tập trung phát triển các mô hình mới trong lĩnh vực như nông nghiệp, tham gia đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng. "Chúng tôi sẽ cố gắng vừa làm tốt, không tiêu cực, lãng phí để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng cũng như khai thác các quỹ đất", ông nói, thêm rằng tập đoàn này sẽ có những đóng góp nhất định thực hiện các mục tiêu của đất nước.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nói họ nhận thức rõ doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế. Vì vậy, những năm qua Vingroup không ngừng đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ.

"Điển hình là VinFast, một dự án mà chúng tôi đã kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng", ông nói, cho biết tập đoàn này xác định nâng tỷ lệ nội địa hóa cho xe điện là chìa khóa để phát triển bền vững, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phát biểu tại hội nghị, ngày 10/2. Ảnh: VGP

Ngoài ra, Vingroup cũng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

"Vingroup cam kết đóng vai trò là 1 trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước", ông Quang khẳng định. Chủ tịch Hòa Phát cũng cam kết giai đoạn 2025-2030 sẽ phát triển tối thiểu 15% mỗi năm, để đóng góp vào mục tiêu của đất nước. Để đạt mục tiêu, ông Long kiến nghị cơ quan quản lý tính tới khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ. Ông cho biết toàn bộ ngành thép Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%. Trong khi đó, Việt Nam có hai mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Ảnh: VGP

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất nhà điều hành tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế cho khoa học kỹ thuật. Bởi, tăng trưởng GDP đi lên cùng trình độ khoa học, trong khi tiềm năng phát triển khoa học của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới.

Ông nhắc tới giải pháp "bình dân AI vụ" bằng cách đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Việc này sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo.

Phương Dung

Tin liên quan
Tin Nổi bật