Bé trai bị thận ứ nước bẩm sinh

27/02/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Bé trai bị thận ứ nước bẩm sinh

Chị Thanh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, bác sĩ chẩn đoán đường kính trước và sau thận của thai nhi khoảng 7 mm, không bị giãn bể thận và niệu quản. Chị được theo dõi và khám thai theo lịch hẹn. Bé chào đời an toàn vào tháng 11 năm ngoái, kết quả siêu âm ghi nhận đường kính trước - sau của thận là 14 mm, trong khi bình thường khoảng 10 mm. Bác sĩ hướng dẫn gia đình theo dõi cho bé tại nhà và tái khám định kỳ.

Hiện bé ba tháng tuổi, PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Cố vấn chuyên môn khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, tái khám cho bé ghi nhận đường kính trước - sau thận giảm còn 12 mm, cần theo dõi thêm.

Bác sĩ Trụ tư vấn cho bố của bé khi tái khám. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Bác sĩ Trụ cho hay thận ứ nước xảy ra khoảng 1/100 trẻ sơ sinh, có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên, do bất thường bẩm sinh, thường phát hiện khi siêu âm thai tuần thứ 22 trở lên.

Nếu trước sinh, đường kính trước sau của thận 10 mm, thai bị giãn niệu quản, giãn bể thận sẽ được siêu âm lại sau 4 tuần. Nếu dưới 10 mm và không giãn niệu quản, không giãn bể thận như con trai chị Thanh, sẽ được siêu âm lại vào tuần 32 thai kỳ. Nếu sau sinh, đường kính thận của trẻ lớn hơn 14 mm kèm giãn niệu quản, giãn bể thận, thay đổi bàng quang thì điều trị bằng kháng sinh, chụp X-quang và xạ hình thận để chẩn đoán thêm.

Trường hợp thận ứ nước không phát hiện trong thai kỳ, trẻ chào đời sẽ đau khi đi tiểu, đau ở vùng bụng dưới, tiểu nhiều hơn bình thường, nôn ói, sốt, quấy khóc... Thận của trẻ bị tổn thương không được điều trị kịp thời ảnh hưởng đến chức năng lọc máu, bài tiết chất thải, loại bỏ độc tố, điều hòa lượng hồng cầu..., gây ra các biến chứng, thường gặp nhất là viêm đường tiết niệu mạn tính.

Đa số tình trạng thận ứ nước của trẻ hết trong năm đầu, khoảng 20% trường hợp cần can thiệp ngoại khoa. Thận ứ nước ở mức nhẹ hoặc trung bình như con chị Thanh được theo dõi đường tiết niệu thường xuyên.

Đa phần đường kính thận của trẻ có thể tự nhỏ lại trong năm đầu đời. Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi tình trạng giãn nở của thận qua siêu âm (đo đường kính bể thận) để tránh diễn tiến sang suy thận.

Bác sĩ Trụ khuyến cáo thai phụ nên siêu âm định kỳ để tầm soát dị tật bẩm sinh ở trẻ, trong đó có thận ứ nước.

Đình Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật